Sunday, July 10, 2011

Ba Mươi Sáu Năm Chưa Phai Nét Hào Hùng


 
Một bữa tiệc gọi là “Bỏ Túi 6” được tổ chức tại San Jose California. Tiệc bỏ túi thì đâu có gì là long trọng linh đình. Thường thì anh em lâu lâu muốn họp mặt nhau là bày ra như vậy. Anh em tựu lại và vui chơi nói chuyện tâm tình - chuyện xưa, chuyện nay… những chuyện buồn vui trải qua trong mỗi cuộc đời: Đời lính, kiếp sống đó đây và lang bạt.
Hôm nay, tiệc được tổ chức tại nhà tôi (Nguyễn Dẩn), không phải họp mặt lệ thường mà là đón mừng một người bạn vừa qua Mỹ. Anh được gia đình (đứa con gái) bảo lảnh và chính thức đến định cư sinh sống tại Hoa kỳ.
Đã trên ba mươi sáu năm, vậy mà vẫn rời bỏ đất nước quê hương. Không phải anh ham hố vật chất văn minh phù phiếm xứ người, mà đi tìm lẽ sống - cuộc sống cuối đời. Anh là một quân nhân, là một người lính chiến, có thể nói trên ba mươi sáu năm lây lất sống qua ngày nơi chính quê hương đất nước của mình, sống cùng cực, sống khổ đau, và bây giờ chỉ mong tìm cho mình cuộc sống có tự do.
 Anh Ngô đình Mãnh, chiến hữu của chúng ta, là một quân nhân của Đoàn Công Tác 75/Nha Kỹ Thuật, người lính VNCH bị bỏ lại sau ngày đất nước điêu linh tan tác.
Hoàn cảnh là như vậy. Thời điểm của một ngày “bị bức tử”, nếu không chịu chết thì phải chạy đi. Ai may mắn thì được thoát, và không may thì phải đành gánh lấy bao đớn đau khổ nhục của kẻ được coi là thua cuộc.
Hôm nay, trông anh khá già – già như những người bạn đến đón mừng anh -  nhưng với vẻ vui tươi phấn chấn, gặp lại nhau và mừng nhau qua những cái bắt tay run rẩy. “Hơn ba mươi sáu năm mới có một ngày”, anh thốt lên trong nỗi niềm xúc động.
Thế là chuyện trò, chuyện vãng - chuyện đơn vị, chuyện cuộc sống, cuộc đời và chuyện đất nước quê hương. Đơn vị NKT là như vậy, một đơn vị không phải bây giờ, mà trước kia, từ khi mới thành lập (từng đơn vị, tổ chức nhỏ) đã là ly tán chia ly. Chia nhau, xa nhau, cách nhau vì công tác. Và cũng có chết chóc, có mất còn. Thỉnh thoảng gặp lại nhau là vui mừng lắm. Và có lẻ thấm nhuần với bao ly tan, sum họp, mà những khi còn gặp lại là cảm mến, thương yêu nhau.
Gặp Ngô đình Mãnh, lại được biết thêm về niên trưởng Ngô đình Lưu, chỉ huy trưỏng B17/LLĐB, đã một thời anh em kính mến, thương yêu, khắn khít.
 Ở đời, có mấy ai ngờ, không là huyết thống, không ruột rà, không cùng xóm làng xứ sở, vậy mà khi cùng nhau trong đơn vị, cùng nhau trong những chuyến công tác hành quân, cùng sống chết bên nhau thì vẫn luyến mến, nhớ thương nhau không thua gì là ruột thịt. Mới thấy được tình chiến hữu, tình huynh đệ chi binh. Sao quá thân thiêt, nồng nàn!
Hôm nay, viết mấy dòng này, xin kính dâng lên trung tá Ngô đình Lưu, như là một nén hương lòng, thằng em kính dâng lên người niên trưởng quá cố đáng kính.
Đứa em của anh, chiến hữu Ngô đình Mãnh, hiện diện trước mặt lại càng khiến em nhớ về anh, kỷ niệm một thời thuở nào nơi đơn vị B17/LLĐB có “vườn tao ngộ”, có những đêm uống rượu mềm môi, nhãy nhót vui chơi. Những buổi sáng mờ sương, từ Pleiku lái xe lên Kontum (đoạn đường rừng 50km) chỉ để uống cà phê (ngắm các em gái thượng) rồi về - bên dòng Dab la, dòng sông chãy ngược…
Lần lượt chin bàn tay nâng cốc đón mừng Ngô đình Mãnh. Bây giờ chỉ còn có Mãnh thay thế cho anh. Nâng ly mừng nhau và uống cạn - uống mừng một chiến hữu, một biệt kích NKT đến được vùng đất nước tự do, nơi xứ lạ quê người.
Bao nhiêu năm tuông đổ máu xương, hy sinh mọi thứ để mưu cầu cho hạnh phúc, cho tự do. Vây mà tự do không có được. Đất nước mình trên ba mươi sáu năm, đã yên giặc, đã thanh bình, mà dân tộc vẫn khốn khổ điêu linh, chưa có được ấm no hạnh phúc. Vẫn phải ra đi tìm kiếm tự do, nơi xứ lạ quê người.
Hoàn cảnh chiến hữu Mãnh khá tội nghiệp. Anh ra đi, người vợ cùng đứa con trai vẫn ở lại bên nhà, đang bệnh hoạn cần điều trị. Nơi vùng đất tạm dung, đứa con gái bảo lảnh người cha, cuộc sống chỉ tạm đủ, còn phải tiếp sức cho mẹ và đứa em nơi quê nhà. Anh tâm sự: tiền bạc, vật chất cũng cần, nhưng tự do là trên hết. Sống nơi đất nước tự do, được gặp lại bạn bè, chiến hữu cũ đơn vị là vui, là mãn nguyện cuối đời. Hởi ơi! Cái giá của tự do sao mà quí quá!
Anh em chung góp giúp đở. Thật sự, vật chất chưa là bao, nhưng mà ở đây thể hiện tấm lòng và tình nghĩa. Anh em móc ví, của ít lòng nhiều. Hội trưởng hội ái hữu Bắc CA  thu gom, sắp từng tờ giấy bạc lẻ 5, 10, 20 dollar và đếm: tổng cộng 525 đô. Tony Thuận móc thêm 75 đô nữa cho chẳng (600 USD), những nghĩa tình mà anh em đang có mặt chia xè lúc ban đầu. Nhận lấy món quà qua hàng mi ngấn nước. Tình chiến hữu cao đẹp biết là bao!
Chụp hình kỷ niệm. Sau ba mươi sáu năm gặp lại, với những mái đầu hoa râm tóc bạc cùng nhau nâng cốc và chụp hình. Phạm minh Ngà trao cho anh chiếc nón đỏ (nón nhãy dù). Nhìn chiếc nón anh không cầm xúc động. Chiếc bê rê với đôi cánh vàng (cánh dù) trên nền đỏ - một bảo vật, một niềm vinh hạnh anh đã đánh mất từ lâu, bây giờ thấy lại - Thấy lại như thấy những gì linh thiêng, mầu nhiệm. Những hiên ngang, hiển hách và hào hùng của một đơn vị biệt kích.
 Anh ước ao có được bộ đồ rằn hoa dù và đôi giày shaut đi trận, mặc nó, chụp hình và gởi về cho bà xã (quê nhà) thấy lại. Chắc bà sẽ vui lắm.
 -Có! Sẽ có cho anh! Phạm sơn Liêm đưa ý kiến: anh Dẩn, ở nhà có sẵn đồ dù không? OK, chờ chút. Phòng tư sẽ cấp, có ngay.
Tôi trang bị cho anh đầy đủ bộ hoa dù, nón bê rê đỏ, giày bốt, cả áo shaut. Vẻ hiên ngang người lính đã hiện về. Mái đầu dù đã bạc, chân anh hơi run, bước đi phải nhờ một anh bạn dìu đi. Tuy thế, phong độ của một BK/NKT vẫn như ngày nào chưa mất. Chụp cho anh mấy “bô” hình, có cả mấy anh bạn: Trần minh Ngà, Phạm sơn Liêm, Đinh hồng Liêm, Nguyễn văn Ẩn, Phạm minh Trung, Phạm Vũ, Covey Trung, Tony Thuận… Những bô hình kỷ niệm, mặc đồ vừa nhà binh vừa dân sự hợp hòa kể cũng duyên. Hào hùng chẳng kém.
 Thật ra, nét hào hùng không hẵn ở bộ đồ hoa dù, vẫn là từ bản chất và tác phong người lính, nhưng mà bộ hoa dù vẫn là hình ảnh của oai phong. Hôn nay, bạn bè chiến hữu trang bị cho anh có đủ. Nét hào hùng (tự nơi anh, người lính chiến BK/NKT) không bao giờ thiếu, đang hiện hữu nơi xứ người. Trên ba mươi sáu năm, những tưởng mọi thứ đã mất đi, giờ thì đang có lại. Tin chắc rằng, bà xã ở quê nhà nhìn thấy (hình ảnh này) sẽ rất vui.
 Rồi đây anh sẽ thấy, hiện diện bên ta còn nhiều thứ khác nữa: bộ hoa dù binh chủng, huy hiệu, phù hiệu đơn vị, cả quốc quân kỳ. Chúng ta bỏ nước ra đi, tạm thời xa cách tổ quốc quê hương. Nhưng, hình ảnh và những gì thiêng liêng nhất vẫn ở bên mình, để một ngày mình sẻ về lại quê hương với đầy đủ, vẹn toàn mọi thứ. Nhất là “dân chủ tự do”. Một niềm tin vững vàng, sắt đá.
 Trên ba mươi sáu năm, dù nơi góc biển chân trời, dù nơi quê người xứ lạ, nét hào hùng người lính chiến BK/NKT vẫn chưa phai.
(11/7/11)
N. Dẩn – SJ.


No comments:

Post a Comment